PHẦN NHẬP ĐỀ BÀI GIÁO HUẤN II

NHỮNG BÀI GIÁO HUẤN VỀ ĐỨC MARIA

Lm Phan Tấn Thành, OP dịch
BÀI 1
SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC MARIA VÀO LÚC KHỞI NGUYÊN CỦA HỘI THÁNH

Tiếp tục loạt bài huấn giáo về Hội thánh, Đức Thánh Cha muốn trình bày loạt bài về Đức Maria. Việc gắn liền Đức Maria với mầu nhiệm Hội thánh không những phù hợp với hướng đi của công đồng Vaticanô II (xc. bài số 9), nhưng có nền tảng từ Tân ước. Sách Tông đồ công vụ đã ghi nhận sự hiện diện của Mẹ Maria vào buổi khai nguyên của Hội thánh, tại nhà Tiệc ly tại Giêrusalem, trong những ngày cầu nguyện khẩn cầu Chúa Thánh Thần. Đức Maria hiện diện như một nhân vật hướng dẫn Hội thánh trong sự đồng tâm cầu nguyện và trung thành ghi nhớ Chúa Kitô.

1.- Sau khi đã dừng lại trong những bài huấn giáo trước đây để đào sâu về bản chất và sứ mạng của Hội Thánh, giờ đây tôi thấy cần phải hướng mắt nhìn lên thánh Trinh nữ Maria, Đấng đã thể hiện sự thánh thiện của Hội thánh một cách toàn hảo, và trở thành khuôn mẫu cho sự thánh thiện đó.
Đó cũng là điều mà các Nghị phụ công đồng Vaticano II đã làm: sau khi đã trình bày đạo lý về thực thể lịch sử cứu độ của Dân Thiên Chúa, các Nghị phụ đã muốn hoàn tất đạo lý đó với việc trình bày vai trò của Đức Maria trong công cuộc cứu độ[1]. Thực vậy, chương VIII của Hiến chế Ánh sáng muôn dân không những chỉ nhằm nêu bật chiều kích Hội thánh của đạo lý về Đức Maria, mà còn muốn làm sáng tỏ sự đóng góp mà hình ảnh của Đức Maria mang lại cho chúng ta trong việc hiểu biết thêm về mầu nhiệm của Hội thánh.

2.- Trước khi trình bày hành trình của Công đồng để tìm hiểu Đức Maria tôi ước muốn nhìn ngắm Đức Maria vào lúc khởi nguyên của Hội thánh, đã được sách Tông đồ công vụ kể lại. Thánh Luca mở đầu tác phẩm Tân ước trình bày cuộc sống của cộng đoàn đầu tiên của các Kitô hữu, sau khi nhắc tới danh tánh của từng vị Tông đồ(1,13), đã nói rằng: “Tất cả mọi người đều chuyên chăm đồng tâm cầu nguyện cùng với một vài phụ nữ và với Đức Maria, Thân mẫu của Đức Giêsu, và với các anh em của Chúa” (1,14). Trong quang cảnh đó, chúng ta thấy nổi bật lên Đức Maria, nhân vật duy nhất được nhắc tới đích danh – ngoài các thánh Tông đồ ra: Đức Maria đã tượng trưng cho một khuôn mặt của Hội thánh vừa khác biệt vừa bổ túc cho khuôn mặt tác vụ và phẩm trật của Hội thánh.

3.- Thực vậy, câu nói của thánh Luca đã kể lại sự hiện diện, trong nhà Tiệc ly, của một vài phụ nữ, và như vậy ông đã muốn nêu bật tầm quan trọng của các phụ nữ trong đời sống Hội thánh ngay từ lúc ban đầu. Sự hiện diện này đã được nối kết chặt chẽ với sự bền bỉ kiên trì của cộng đoàn trong sự cầu nguyện và đồng tâm nhất trí. Những nét này đã diễn tả một cách toàn hảo hai khía cạnh căn bản của sự đóng góp đặc thù mà các phụ nữ mang lại cho đời sống của Hội thánh. Nam giới thường nghiêng về những khuynh hướng hoạt động ở bên ngoài; vì thế họ cần các phụ nữ giúp đỡ để biết chú ý hơn đến những tương quan liên-bản-vị và tiến triển đến sự kết hợp của các tâm hồn. Đức Maria, “kẻ được chúc phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1, 42) , đã chu toàn một cách nổi bật sứ mạng đó của phụ nữ. Thử hỏi xem có ai, hơn Đức Maria, đã cổ võ giữa hết mọi tín hữu sự kiên trì trong việc cầu nguyện? Có ai, hơn Mẹ, đã cổ động sự hòa hợp và tình yêu thương? Vì đã nhận chân sứ mạng mục vụ được Chúa Giêsu đã ủy thác cho Mười Một Tông đồ, các phụ nữ trong nhà Tiệc ly, cùng với Đức Maria ở giữa họ, đã kết hiệp với lời cầu nguyện của các tông đồ, và đồng thời minh chứng cho sự hiện diện trong Hội thánh của những người tuy không lãnh nhận sứ mạng tông đồ nhưng cũng là những phần tử trọn vẹn của cộng đoàn đã được kết hiệp trong đức tin vào Đức Kitô.

4.- Sự hiện diện của Đức Maria trong cộng đoàn cầu nguyện đón chờ Chúa Thánh Thần xuống (x. Cv 1,14) đã gợi lên phần đóng góp của Đức Maria trong cuộc Nhập thể của Con Thiên Chúa do quyền năng của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35). Cả hai vai trò của Đức Trinh nữ Maria, lúc khai mào trước đây và lúc Hội thánh xuất hiện bây giờ vào lễ Hiện xuống, đều có liên lạc mật thiết với nhau. Sự hiện diện của Đức Maria vào thời buổi sơ sinh của Hội thánh mang sắc thái nổi bật khi đối chiếu với sự thông dự kín đáo của Người trong giai đoạn trước đây, nghĩa là vào thời gian hoạt động công khai của Đức Giêsu. Vào lúc Con của Người thi hành sứ vụ thì Đức Maria ở lại Nazaret, tuy dù sự cách ly đã không loại bỏ vài cuộc tiếp xúc đầy ý nghĩa như là tại Cana, và nhất là đã không ngăn cản Người tham dự vào hy tế trên núi Calvariô[2]. Ngược lại, trong cộng đoàn tiên khởi, Đức Maria giữ một vai trò đáng kể. Sau khi Chúa Giêsu lên trời và đang lúc chờ đợi lễ Ngũ tuần, Thân mẫu của Đức Giêsu đã đích thân hiện diện tại những bước đầu của công trình mà người Con của Mẹ đã khai trương[3].

5.- Sách Tông đồ công vụ đã nhấn mạnh rằng Mẹ Maria có mặt trong nhà Tiệc ly cùng với “các anh em của Đức Giêsu” (Cv1,14), nghiã là cùng với các họ hàng thân thích của Chúa, như là truyền thống Hội thánh vẫn hiểu: đây không phải là một cuộc tụ họp gia đình cho bằng, dưới sự hướng dẫn của Mẹ Maria, gia đình tự nhiên của Đức Giêsu đã trở thành gia đình tinh thần của Đức Kitô: “ ai tuân hành ý của Thiên Chúa – như Đức Giêsu đã nói – thì người đó là anh, chị em và là mẹ của tôi” (Mc 3, 34).
Cũng trong một hoàn cảnh đó, thánh Luca đã đặt danh hiệu cho Đức Maria là: “Thân mẫu của Đức Giêsu” (Cv 1,14), ra như muốn gợi ý rằng có cái gì của Đức Kitô lên trời vẫn còn tồn tại qua sự hiện diện của bà Thân mẫu. Đức Maria nhắc nhở cho các môn đệ khuôn mặt của Đức Giêsu, và với sự hiện diện ở giữa cộng đoàn, Mẹ trở thành dấu hiệu cho lòng chung thủy của Hội thánh đối với Chúa Kitô.
Trong bối cảnh này, danh hiệu “Thân mẫu” nói lên thái độ gần gũi và ân cần mà Đức Maria sẽ tiếp tục theo dõi đời sống của Hội thánh. Đức Maria sẽ mở cửa lòng mình cho Hội thánh để bày tỏ những kỳ công mà Thiên Chúa toàn năng và lân tuất đã thực hiện ở nơi Người.
Ngay từ buổi đầu, Đức Maria đã thi hành chức vụ làm “Thân mẫu của Hội thánh”: hoạt động của Mẹ đã giúp cho các tông đồ duy trì sự đoàn kết, được thánh Luca trình bày như là “đồng tâm hiệp ý”, khác xa với sự cãi cọ mà trước đây đã xảy ra giữa họ với nhau. Sau cùng, Đức Maria đã thực thi sứ mạng làm mẹ đối với cộng đoàn các tín hữu, không những cầu xin cho Hội thánh được các hồng ân của Chúa Thánh Thần, cần thiết cho sự hình thành và cho tương lai của Hội Thánh, mà đồng thời còn dạy dỗ các môn đệ của Đức Kitô được biết liên lỉ kết hiệp với Thiên Chúa.
Như vậy, Đức Maria trở thành người giáo dục dân Chúa về sự cầu nguyện, về sự gặp gỡ Thiên Chúa, một yếu tố quan thiết ngõ hầu hoạt động của các mục tử và của các tín hữu luôn luôn bắt đầu và tìm thấy động lực sâu xa ở trong Thiên Chúa.

6.- Những nhận xét vắn tắt trên đây cho thấy rõ là mối tương quan giữa Đức Maria và Hội thánh dẫn đưa tới việc đối chiếu lý thú giữa hai bà mẹ với nhau. Mối tương quan ấy làm sáng tỏ chức phận làm mẹ của Đức Maria, và thúc đẩy Hội thánh cũng luôn luôn đi tìm hiểu chân tướng của mình qua việc ngắm dung nhan của Đức Mẹ Chúa Trời.
________________________________________
[1] Bố cục của Hiến chế tín lý về Hội thánh Ánh sáng muôn dân, gồm 8 chương: I. Mầu nhiệm Hội thánh. II. Dân Thiên Chúa. III. Cơ cấu phẩm trật của Hội thánh. IV. Các giáo dân. V. Ơn gọi tất cả mọi người nên thánh. VI Các tu sĩ. VII. Đặc tính cánh chung của Hội thánh lữ hành. VIII. Thánh mẫu Maria trong mầu nhiệm Đức Kitô và Hội thánh. [2] Xc bài 46 [3] Xc bài 52